Số hóa dịch vụ hành chính công (07-08-2017)
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chính phủ điện tử (eGovernment) nhằm giảm thủ tục, chi phí, tăng tính tương tác và sự minh bạch giữa các cơ quan hành chính với công dân hiện vẫn là thách thức lớn cho các bên tham gia, nhưng đồng thời cũng tạo ra một thị trường lớn cho các nhà cung cấp. 

Ngày 09/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 846/QĐ-TTg ban hành danh mục 354 thủ tục hành chính ở các bộ, ngành và 353 thủ tục hành chính ở các địa phương sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay trong năm 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành cổng Dịch vụ công quốc gia ngay trong năm nay để các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc trung ương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nâng dịch vụ lên cấp 4
Dịch vụ công mức độ 3 là nơi chính phủ điện tử quản lý và cung cấp thông tin đầy đủ cho công dân; cấp độ 4 là mức độ cao nhất cho phép hoàn tất khâu thanh toán điện tử để người dân tiện lợi trong giao tiếp công, có thể hoàn tất hồ sơ từ bất cứ đâu, giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí trong giao dịch.
Đây chính là yếu tố thách thức nhất trong quá trình cải cách chính phủ điện tử từ các bên, cơ quan quản lý, nhà quản lý công, thói quen giao dịch của công dân. Dịch vụ công trực tuyến được Chính phủ chú trọng thúc đẩy trong nhiều năm qua và bước tiến đáng kể là những năm gần đây nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ lên cấp độ 4.
Năm 2017, Việt Nam bắt đầu thí điểm cấp thị thực điện tử (eVisa) đối với công dân của 40 quốc gia tại địa chỉhttps://www.immigration.gov.vn và https://www.xuatnhapcanh.gov.vn. Thủ tục hiện đã hoàn thiện từ khâu kê khai trực tuyến thông tin cá nhân cho đến khâu thanh toán trực tuyến hoàn tất hồ sơ.
Khâu xét duyệt trong vòng 2- 3 ngày có thể hoàn thành visa điện tử cho các công dân nước ngoài. Tính đến nay đã có hàng ngàn du khách được cấp visa điện tử.

Các doanh nghiệp du lịch cho biết, trong giai đoạn đầu hệ thống chưa được trơn tru nhưng đã dần ổn định và đây là một bước cải tiến về thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Dịch vụ công cấp 4 được xem là nền tảng để giảm các chi phí vận hành, quản lý của cơ quan hành chính, đồng thời giúp người dân tiện lợi trong giao tiếp, giảm thủ tục nộp/nhận hồ sơ hay thanh toán với các cơ quan hành chính.

Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia (Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư) đã hợp tác với Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt - VietUnion (đơn vị vận hành cổng thanh toán trung gian Payoo) triển khai thanh toán trực tuyến cho kênh mua sắm công http://muasamcong.mpi.gov.vn.

Theo đó các pháp nhân trên cả nước khi đăng ký đấu thầu qua hệ thống này có thể đóng các khoản phí tương ứng qua cổng Payoo bằng thẻ ATM, thẻ nội địa, thẻ quốc tế (Mastercard, Visa) hay ví điện tử để hoàn tất giao dịch.

Payoo là một trong những đơn vị trung gian thanh toán dẫn đầu về dịch vụ thanh toán hóa đơn trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ. Theo ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng giám đốc VietUnion, nhu cầu dịch vụ trong lĩnh vực công là rất lớn, việc tích hợp tính năng thanh toán nhằm hoàn tất và đơn giản hóa các thủ tục cho công dân.

'Việc của các nhà cung cấp như Payoo là nỗ lực hợp tác với các cơ quan hành chính, cải tiến chất lượng dịch vụ để đưa ra các tiện ích tối ưu và đơn giản nhất cho người dân khi họ thực hiện các dịch vụ công. Đây chính là cách thức tham gia thị trường công hiệu quả”, theo ông Lĩnh.

Thanh toán trực tuyến là khâu cuối cùng gỡ bỏ rào cản khó khăn nhất xưa nay thị trường gặp phải trong giao dịch trực tuyến, giữ vai trò kết nối thúc đẩy dịch vụ hành chính công. Theo xu hướng đó, Payoo mở rộng kết nối đến các cơ quan hành chính để cung cấp tiện ích thanh toán như cổng thông tin điện tử xuất nhập cảnh Việt Nam để hỗ trợ thanh toán đăng ký thị thực điện tử (eVisa) cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử.

Payoo cũng kết nối với Sở Công Thương TP.HCM http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn để cung cấp các dịch vụ công một cửa hỗ trợ người dân thanh toán lệ phí trực tuyến...

Theo ông Lĩnh, việc kết nối với các cơ quan hành chính công cần chuẩn bị các cách thức kết nối đơn giản và thuận lợi để có thể triển khai nhanh và ít hao tốn nguồn lực của cơ quan hành chính khi tích hợp dịch vụ. Để tạo sự thuận tiện, theo ông Lĩnh, hiện nay người dân còn có thể thanh toán dịch vụ công ngay tại các mạng lưới cửa hàng tiện lợi 24/7, hệ thống siêu thị điện máy/điện thoại trên cả nước.

'Việc kết nối mạng lưới đa dạng là nhằm mở rộng kênh thanh toán, và là xu thế phổ cập tiện ích khắp nơi để tạo sự thuận lợi cho mọi công dân có thể thanh toán trực tuyến bất kỳ dịch vụ nào, kể cả các dịch vụ công', ông Lĩnh cho biết.

Ứng dụng công lên di động

Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai chính thức khai trương hồi tuần rồi đã đồng thời triển khai dịch vụ hành chính công trên ứng dụng Zalo. Theo ông Tạ Quang Trường - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, hiện việc sử dụng các ứng dụng như Zalo đã trở nên quen thuộc nên tích hợp ứng dụng này để hỗ trợ người dân tiện lợi hơn trong việc sử dụng các dịch vụ công.

Theo đó, người dân có thể mở ứng dụng Zalo trên điện thoại, quét mã QR để nhận thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ; có thể sử dụng công cụ chat trên Zalo để trao đổi với trung tâm, nhận tin nhắn thay đổi trạng thái xử lý, hay có thể đánh giá thái độ và kết quả giải quyết công việc của cán bộ, nhân viên trung tâm.

Việc nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ là một trong những thang điểm phản ánh tư duy quản lý hiện đại, cấp tiến của các cơ quan hành chính dù được nhìn nhận còn khá chậm so với yêu cầu phát triển. Theo ông Trường, các cơ quan nhà nước thường bị đánh giá là phản ứng chậm trước làn sóng công nghệ nhưng xu thế hiện nay đã dần thay đổi.

'Trọng tâm cải cách hành chính năm 2017 của Đồng Nai là ứng dụng IT trong các cơ quan nhà nước, liên thông giữa các phần mềm tin học để giải quyết các thủ tục hành chính tiện lợi hơn cho người dân'.

Theo đánh giá của Hội Tin học Việt Nam, ước tính hiện có hơn 136.000 thủ tục hành chính các loại, nếu chuẩn hóa được tên gọi, hồ sơ, biểu mẫu, quy trình thống nhất giữa trung ương và các cấp địa phương thì sẽ giảm được 50% nhờ giảm tình trạng trùng lặp chồng chéo.
Theo: CafeBiz


Quảng cáo